Tự tạo động lực cho bản thân

Với những mục tiêu mình đặt ra trong năm 2018 thì mình lấy đâu ra để động lực để làm nhỉ? (Xem lại bài viết “Có gì hay ở tuổi 29”)

Đầu tiên, khẳng định một điều là mình không hề có đam mê với bất kì lĩnh vực nào mà bản thân đang làm. Mình xem đó là một sở thích và mình đang trải nghiệm chuyện chinh phục sở thích của bản thân. Thành thử hai từ “đam mê” với mình sẽ quá to tát và sẽ là “sỉ nhục” với  những người chuyên sâu trong các lĩnh vực mình đang thích.

pexels-photo-343720

Ảnh của asim alnamat

Nếu phải buộc nêu ra cái gọi là “đam mê”  thì mình sẽ chọn việc làm mới chính mình. Bởi lẽ, mỗi năm mình luôn phải  chinh phục cái gì đấy không ngừng và nó sẽ đem lại rất nhiều điều thú  vị cho bản thân. Việc bản thân trưởng thành hơn, biết nhiều hơn và trải nghiệm nhiều hơn khiến bản thân mình mới mẻ hơn ngày hôm qua. Mình có nhiều chuyện để nói, nhiều việc để làm và nhiều cái để viết.

Nhưng so với những năm trước thì giờ mình làm việc có tính toán hơn. Tức  là để tạo động lực cho bản thân thì mình buộc phải tham gia vào các  trang mạng xã hội chuyên về lĩnh vực mình đang tham gia để nâng cao khả  năng của bản thân. Việc này có lợi ích là tăng tính ganh đua của bản thân hơn, cũng như cải thiện trình độ của bản thân.

Với nhiếp ảnh, mình chọn điểm đến là Pexels.  Một trang chia sẻ ảnh dạng CC0 khá nổi tiếng. Cách hoạt động của Pexels  mang tính cạnh tranh khá tốt, nhất là sự ưu ái dành cho người mới chơi  nhiếp ảnh hoặc chơi nhiếp ảnh nghiệp dư. Việc thống kê thứ hạng, số  view, lượt download sẽ khiến bạn có động lực để chụp ảnh hơn. Chưa kể  hình thức donate qua paypal còn khiến bạn cảm thấy bức ảnh của bạn có  giá trị hơn nữa. Pexels sẽ là khởi đầu ổn cho bạn nếu muốn trải nghiệm với nhiếp ảnh. Một bức ảnh đẹp mà không được sử dụng hay chiêm ngưỡng thì nó sẽ không hề có giá trị gì cả. Có điều khi chơi Pexels lâu dài, bạn sẽ cảm thấy áp lực hơn, bởi những  tấm ảnh chụp sau phải thật sự tiến bộ rất nhiều mới vượt mặt được các  tấm ảnh cũ bạn đã đăng trước đó. Mình thích Pexels ở sự tự do về  khái niệm gọi là “đẹp”. Bởi bức ảnh của bạn có thể không chuyên nghiệp  như nhiếp ảnh gia nhưng vẫn có những người yêu thích tấm ảnh ấy. Nên nó  là một sân chơi mà bất kì ai cũng có thể tham gia.

Với viết, mình sẽ chọn Spiderum. Cách thức hoạt động của Spiderum cũng sẽ na ná như Pexels, nhưng nó là  nằm ở lĩnh vực viết blog. Hẳn nhiên là khi mới tham gia Spiderum thì bạn  sẽ bị choáng ngộp bởi những bài viết chuyên sâu và đầu tư kĩ càng. Bỗng dưng bạn sẽ là hạt cát siêu nhỏ trong sa mạc.  Ơ! Nhưng như mình cũng đã nói ở trên, sẽ có những người thích đọc những  gì bạn viết. Nếu bạn viết bằng cái tâm và sự yêu thích với con chữ. À, nói ví von đó là “linh hồn của bài viết” và bạn chính là người tạo ra linh hồn đó.  Khi bạn có độc giả. Bạn sẽ có động lực để viết.

Với Bullet Journal, mình sẽ làm Youtube.  Ngoài tham gia các group về Bullet Journal trên Facebook ra thì mình  chọn Youtube là nơi truyền tải cảm hứng làm Bullet Journal hiệu quả  nhất! Mình không chọn làm video theo kiểu “plan with me” mà là chọn hình  thức chia sẻ kiểu trang trí mình làm qua mỗi tháng. Cũng như mình kết  hợp luôn việc chụp ảnh để chia sẻ trên Pexels. Để làm được điều đó thì  mình luôn phải chuẩn bị cho mỗi tháng, chưa kể là siêng năng cập nhật và  hoàn thành Bullet Journal để cuối năm sẽ làm video tổng kết. Khán giả  của mình, họ xem và thích những gì mình làm, họ đăng ký, họ nhắn tin hỏi  mình về video mới. Vô tình chung, ngoài động lực bản thân tự tạo ra thì khán giả của mình bắt đầu trở thành động lực vô hình. Khi bản thân được ai đó công nhận điều bạn đang làm, bạn sẽ càng có hứng và tiếp tục làm nó tốt hơn.

Với Vlog, mình hẳn nhiên tiếp tục chọn làm Youtube rồi. Vấn đề là Vlog của mình không cần khán giả, mà chủ yếu chia sẻ cho họ hàng người thân xem. Mình thật sự thích cảm giác cả dòng họ ngồi bên nhau xem những video mình đã quay mỗi dịp gặp gỡ. Cảm giác thích thú của người thân khiến mình có động lực để quay mỗi khi có dịp dòng họ gặp gỡ nhau. Đôi khi là cả những giọt nước mắt, khi có vài người trong video đã  không còn trên đời này nữa. Nhưng hình ảnh của họ, đã được mình ghi lại  qua những thước phim. Mình không hề biết tí gì về chỉnh sửa video,  nhưng mình đã tập tành dần để cải thiện video ngày một tốt hơn. Mình  muốn đem lại những thước phim chân thật nhất cho những người thân yêu  của mình. Quan trọng là mình cũng đang ghi lại dấu ấn của bản thân.

Cuối cùng, bạn có nhận ra động lực chung để mình duy trì sở thích của bản thân duy trì từ ngày này qua ngày khác là gì không? Vâng, đó chính là có người quan tâm và công nhận những gì mình đang làm. Cảm giác “tăng bốc” này vừa lợi vừa hại. Lợi để chỗ là giúp bạn cố gắng  không ngừng để hoàn thành tốt hơn. Hại ở chỗ là đôi khi bạn sẽ tự mãn  những gì đang làm nếu đột ngột có nhiều người quan tâm đến bạn. Khi ấy,  sự sáng tạo sẽ không còn được phát huy mà thay vào đó là sự ảo tưởng của  bản thân. Nên hãy luôn khắt khe với những gì bạn đang theo đuổi, kể cả đó chỉ là sở thích mà thôi.

Mình làm mọi thứ ở trên không phải để  “nổi tiếng” hay để chứng minh bản thân có khả năng gì đấy và thậm chí  mình không hề kiếm ra tiền từ những việc đó. Mình làm vì mình thích. So với rất nhiều người ở mỗi lĩnh vực trên, mình chẳng là gì cả. Nhưng  chỉ cần còn vài người thích ảnh mình chụp, thích xem video mình làm ra,  thích đọc những gì mình viết thì mình vẫn tiếp tục duy trì nó. Quan trọng là mình chưa bao giờ hài lòng với những gì mình đã và đang  làm. Mình chỉ dừng lại một sở thích nào đó khi mình cảm thấy hết hứng  thú và đã thỏa mãn với nó.

Bí quyết quan trọng nhất là hãy  kết nối những gì bạn đang làm trở thành một hệ sinh thái. Nó có liên  quan và cộng hưởng với nhau. Như vậy thì làm cái này sẽ bổ trợ cho cái  kia, cái kia sẽ hỗ trợ cho cái nọ. Chính vì liên kết với nhau như vậy mà  bạn luôn buộc phải hoàn thành tốt mỗi công đoạn để phát triển hệ sinh  thái tốt nhất. 

Kể cả bạn không có quá nhiều thời gian để  trải nghiệm nhiều sở thích cùng một lúc nhưng bạn luôn có cách để duy  trì và phát triển một sở thích nào đó mỗi ngày. Khi càng bước chân sâu hơn vào sở thích ấy, bạn sẽ nhận ra vô vàn điều mới mẻ đem lại cho bản thân. Điều đó khiến bản thân bạn trở nên thú vị hơn, biết nhiều điều khiến  bạn tự tin hơn và cuộc sống không chỉ xoay quanh chuyện “kiếm tiền”,  thậm chí đôi khi nó còn biến thành động lực cho bạn “kiếm tiền” để trải  nghiệm sở thích của bản thân. Và biết đâu, một ngày nào đó chính những  sở thích của bạn lại đem lại “nguồn thu nhập” cho bản thân thì sao? Hay  giúp bạn phát huy những khả năng tiềm ẩn của bản thân? Đừng để bản thân trở nên vô vị hơn, bước vào lối mòn để rồi hạn chế khả năng sáng tạo của chính mình.

Sài Gòn, ngày 24 tháng 02 năm 2018.

Facebook: Trần Hoàng Ngọc Bích
WordPress: www.thngocbich.wordpress.com
Pexels: www.pexels.com/u/thngocbich

Comment